Website Trường THCS Hưng Chính, Vinh, Nghệ An

http://thcshungchinh.vinhcity.edu.vn


Chấn chỉnh học thêm, “xóa” lạm thu, xử lý đại học phạm luật

Thực hiện lời hứa sẽ chấn chỉnh tình trạng học thêm, lạm thu, sai phạm tràn lan trong việc lập trường, liên kết đào tạo quốc tế… 1 năm trước, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận gửi báo cáo tới Quốc hội kỳ họp này khẳng định những “vấn nạn” này đã cơ bản chấm dứt.


Dạy thêm tràn lan vi phạm - chưa xử nghiêm!

Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2011), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận được chọn trả lời chất vấn. Trong phiên chất vấn, ông Luận nhận nhiều câu hỏi về việc quản lý chặt chẽ dạy thêm, học thêm, không để gây quá tải và áp lực cho học sinh phổ thông. Quốc hội sau đó đã ra Nghị quyết về chất vấn với nội dung trả lời này của Bộ trưởng GD-ĐT.


Triển khai thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, ông Luận báo cáo, ngành GD-ĐT đã ban hành thông tư quy định về dạy thêm, học thêm trong đó có những quy định mới và cụ thể (về người dạy thêm, người học thêm, người tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm, về nội dung dạy thêm, về điều kiện và thủ tục cấp phép, về trách nhiệm của các đối tượng tham gia hoạt động dạy thêm học thêm và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục) nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc dạy thêm học thêm chính đáng. Ngăn chặn tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, không lành mạnh, gây quá tải và áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Đến đầu năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT đã tổ chức kiểm tra, nhận định, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn còn tồn tại, có nơi khá phổ biến.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích 3 nguyên nhân: nhu cầu của xã hội coi trọng bằng cấp và lo lắng của cha mẹ học sinh đã gây áp lực lên việc học hành của con cái; một số giáo viên còn có tư tưởng vụ lợi trong việc dạy thêm, học thêm; việc quản lý dạy thêm, học thêm ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa nghiêm…

Trong khi đó công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về về dạy thêm, học thêm chưa thường xuyên, hiệu quả; các vi phạm về dạy thêm, học thêm tràn lan chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định thời gian tới sẽ tổ chức một số đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình dạy thêm học thêm ở một số địa phương và tiếp tục chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có nổi cộm vấn đề dạy thêm, học thêm tăng cường quản lý nhà nước, có biện pháp quyết liệt. Sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Chấp thuận nhiều khoản… thu hộ

Về tình trạng thu nộp, quản lý và sử dụng các nguồn thu ngoài quy định tại các trường phổ thông ở nhiều địa phương, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định đã ban hành thông tư quy định về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và về tài trợ cho các cơ sở giáo dục. Theo đó, quy chế cho Ban đại diện là phải thu chi công khai, dân chủ, không được định ra mức kinh phí ủng hộ bình quân…

Các tỉnh thành cũng đưa ra yêu cầu chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức của các cơ sở giáo dục trên địa bàn và sau đó cử các đoàn giám sát đi xuống địa phương. Thanh Hóa, Hà Nội, Phú Thọ, Đà Nẵng… thực hiện tương đối tốt.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận là tại một số địa phương có rất nhiều khoản thu mang tính chất thu hộ như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, quỹ đoàn, quỹ đội, khuyến học, chữ thập đỏ.

Một số các khoản có tính chất thỏa thuận như: học 2 buổi/ngày, nước uống, ăn trưa, chăm sóc bán trú, đồ dùng cá nhân (với học sinh bán trú), học phẩm, đồng phục học sinh, thuê sân bãi tập thể dục… Một số ít địa phương có các khoản thu để tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp.

Ông Luận tiếp tục hứa, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định trên để khắc phục tình trạng lạm thu.

Dừng, đình chỉ tuyển sinh nhiều đại học phạm luật

Về việc chấn chỉnh điều kiện lập trường, liên kết đào tạo với nước ngoài bậc đại học, Bộ trưởng GD-ĐT thừa nhận thời gian trước, các văn bản, quy định điều chỉnh lĩnh vực này không thích hợp. Bộ đã ban hành Nghị định 73 vào tháng 9 năm nay để khắc phục những bất cập đó.

Bộ cũng đã tổ chức 2 đợt kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường đối với 62 trường đại học, cao đẳng trong cả nước (đợt 1 vào tháng 11/2011, đợt 2 vào tháng 3/2012). Trong số đó có 27 trường công lập, 35 trường ngoài công lập; 42 trường đại học và học viện, 20 trường cao đẳng.

Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết các trường đã có cố gắng xin đất, huy động kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, triển khai mở ngành đào tạo sau khi được thành lập hoặc nâng cấp. Các ngành đào tạo đều có giấy phép của Bộ.

Tuy nhiên, nhiều trường chưa thực hiện được cam kết đã ký khi xin thành lập trường như tỉ lệ vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt dưới 50% so với cam kết, quy mô sinh viên thấp (dưới 1.000 sinh viên), số lượng giảng viên cơ hữu của nhiều trường không đảm bảo, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn cao.

Căn cứ kết quả kiểm tra, ông Luận cho biết, Bộ GD-ĐT đã xử lý nhiều trường hợp sai phạm. Bộ quyết định dừng tuyển sinh năm 2012 đối với 4 trường đại học; đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 17 ngành của 9 trường; giảm 20% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 của 1 trường; có văn bản cảnh báo 9 trường do chưa có đất, chưa xây dựng cơ sở vật chất; yêu cầu các trường khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu.

P.Thảo (Dân trí)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây