Tại sao ở CHLB Đức không thi tuyển vào Đại học ?

Thứ ba - 04/02/2014 18:35
Ở Việt Nam trên 90% học sinh tốt nghiệp THPT đua nhau thi đại học, cao đẳng để rồi xã hội thừa thầy, thiếu thợ. Còn ở nhiều nước châu Âu đã từ lâu họ không tổ chức thi tuyển vào đại học, thậm chí học sinh tốt nghiệp THPT được mời vào học đại học ! Tại sao lại trái ngược như vậy ? Hãy tìm hiểu một tí về giáo dục trung học CHLB Đức để có câu trả lời.
      
      Ở CHLB Đức việc phân hóa và định hướng nghề nghiệp cho học sinh thực hiện sớm, ngay từ đầu bậc trung học cơ sở. Học sinh có năng lực học tập yếu, trung bình, khá giỏi được chia ra học riêng ở 3 loại trường THCS khác nhau (ngoài ra còn có các trường khuyết tật, trường năng khiếu nghệ thuật). Lên bậc THPT có trên 60% học sinh theo học các trường vừa học nghề (nghề ra nghề, làm ăn được), vừa học kiến thức phổ thông. Chỉ có 1/3 học sinh tốt  nghiệp THPT không có nghề chứ không có chuyện trên 90% học sinh tốt nghiệp THPT chỉ có chữ như ở ta. Các trường đại học thoải mái chỗ để nhận học sinh có năng lực trí tuệ tốt để học kiến thức hàn lâm bậc cao mà không cần tổ chức thi tuyển như ở Việt Nam.
      Số  liệu thống kê của viện kinh tế Köln năm 2005 về phân bố học sinh tại các loại truờng THCS cho thấy sự phân hóa đó rất rõ rệt:
      Loại trường THCS Hauptschule (dành cho học sinh trung bình yếu + yếu):          1 092 500    (28,5%)
      Loại trường THCS Realschule (dành cho học sinh trung bình + trung bình khá):  1 296 700    (32,2%)
      Loại trường THCS Gymnasium (dành cho học sinh khá + giỏi):                              1 642 700    (39,3%)

      Loại trường THCS Hauptschule (dành cho hs trung bình + yếu) học gì ? định hướng thế nào ?
      Học sinh loại trường THCS Hauptschule là những học sinh có kết quả học tập không khả quan sau khi kết thúc bậc tiểu học hoặc không đạt tiêu chuẩn khi học ở các trường Gymnasium hoặc Realschule bắt buộc chuyển qua.
      Tại trường này trong 5 năm học từ lớp 5 - 9 học sinh được học các nội dung khá đơn giản, đạt chuẩn giáo dục mức độ 1, nhưng có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Trong các học kì năm lớp 8 ,9 có các tuần thực hành hướng nghiệp, mỗi học sinh chọn một nghề mình thích (có thể là thợ thủ công, công nhân hoặc thương mại)  và tự liên hệ với người làm nghề đó để học việc (giáo viên sẽ đến kiểm tra, thực ra chỉ là đến tìm hiểu, vì hầu hết học sinh rất khoái thực hành nghề và học việc rất  nghiêm túc).
       Hết lớp 9 học sinh có thể tốt nghiệp THCS và tiếp tục học bậc THPT trường Gymnasium (rất hiếm) hoặc học tiếp tại các trường trung học dạy nghề (hầu hết). Tại các trường trung học nghề này họ học nghề vào ban ngày và vẫn được học các môn cơ bản như Toán, Văn, Ngoại ngữ và Tôn giáo vào buổi tối. Tuỳ từng nghề mà việc học nghề này có thể kéo dài 2 - 5 năm.

     Loại trường THCS Realschule (dành cho học sinh trung bình và trung bình khá) học gì ? định hướng thế nào ?
     Học sinh loại trường này học nhiều hơn một năm so với Hauptschule, kéo dài từ lớp 5 đến lớp 10, nội dung đạt chuẩn giáo dục mức độ 2, thiên về ứng dụng kỹ thuật, thực hành. (Ví dụ khi học Vật lý, học sinh không học kỹ về thành lập, biến đổi công thức mà học kỹ về các ứng dụng kĩ thuật, rèn kỹ năng thực hành lắp ráp, đo đạc).
     Tại các trường này học sinh học ngoại ngữ (thường là tiếng Anh) từ lớp 5. Từ lớp 7 trở đi ngoài các môn chính, học sinh được phân ban thành 3 ban bắt buộc, mỗi học sinh tuỳ theo khả năng và sở thích chọn 1 trong 3 lĩnh vực: Con người và Môi trường, Tự nhiên và kĩ thuật hoặc Ngoại ngữ thứ hai (thường là tiếng Pháp). Tin học cơ sở cũng được đưa vào dạy từ lớp 7. Ngoài ra tuỳ theo từng trường mà có những yêu cầu hoặc những môn học mở rộng khác.
     Sau khi hết lớp 10 học sinh THCS Realschule sẽ theo học tại các trường nghề (đa số) hoặc có thể học ở các trường THPT Gymnasium (số ít).

    Loại trường THCS Gymnasium (dành cho học sinh khá giỏi) học gì ? định hướng thế nào ?
    Các học sinh loại trường THCS Gymnasium có thể nói là hy vọng của nền giáo dục, tương lai của nước Đức, và hễ cần so sánh với các nước khác, CHLB Đức đều mang các học sinh này ra thi thố. Đương nhiên các nhà bác học, các nhà văn hoá, chính  trị đều từ các học sinh   Gymnasium mà thành. Tuy vậy, người Đức không  coi trọng điều đó vì với họ, đặc biệt là lớp  trẻ, thì trở thành cầu thủ Micheal Ballack oai hơn nhiều so với trở thành nhà vật lý Max Plank hay được giải Nobel. 
    Ở trường Gymnasium chia làm 2 bậc THCS và THPH như ở ta, học sinh học các môn chính và môn tự chọn, có điều khác là hầu hết các trường học sinh đều phải học hai ngoại ngữ bắt buộc. Yêu cầu kiến thức kĩ năng đối với học sinh Gymnasium là ở mức độ 3. Hết lớp 13 học sinh thi tốt nghiêp THPT do Trung tâm khảo thí thực hiện độc lập với các trường và rất nghiêm túc. Học sinh nào thi đỗ tốt nghiệp THPT (Abitur) thì có thể nộp đơn xin vào một trường đại học, cao đẳng bất kì ở Đức, các trường tuyển chọn theo điểm trong học bạ và điểm Abitur. 
     Với sự phân hóa sớm từ bậc THCS như vậy thì học sinh đỗ Abitur đều xứng đáng học tại các trường Đại học, Cao đẳng. Sự thi thố, đấu đá vào trường Đại học chỉ xảy ra ở các trường Đại học danh tiếng thuộc tốp đầu mà thôi.
    Ta thấy ở CHLB Đức không có khái niệm giáo dục giàn trải các bộ môn, các năng lực mà thiên về chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá từng học sinh từ cấp THCS. Nhưng giáo dục toàn diện bao gồm: giáo dục kiến thức tự nhiên, xã hội, nghệ thuật, thể thao thì Đức lại làm rất tốt vì hầu như  trong bất kì loại hình trường nào cũng đều có sân vận động, câu lạc bộ, phòng tranh hoặc phòng nhạc.
    Thật đáng suy ngẫm về cách làm của họ và cần phải điều chỉnh hệ thống, cách làm phân luồng của Việt Nam để khỏi rơi vào tình trạng Bộ GD&ĐT cứ ra các chỉ thị về hướng nghiệp phân luồng sau THCS mà ở dưới các trường THCS thì chẳng thể thực hiện hoặc có thực hiện thì hiệu quả cũng rất hạn chế !

    Cách phân luồng ở Cộng hòa Pháp:
    Lên THPT học sinh được phân ban theo chuyên ngành có nội dung học khác nhau: Khoa học; Văn chương; Đại cương và kỹ thuật. Tương ứng với các ban, khi tốt nghiệp THPT học sinh sẽ lấy 3 loại bằng tú tài khác nhau: Tú tài khoa học (số ít); Tú tài văn chương (số ít); Tú tài đại cương và kỹ thuật (đa số).
    Học sinh có bằng Tú tài khoa học và Tú tài văn chương sẽ vào các trường đại học khoa học tự nhiên hoặc xã hội.
    Học sinh có bằng Tú tài đại cương và kỹ thuật đủ kỹ năng đi làm việc ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. Học sinh có thể theo học tiếp các trường Cao đẳng, Đại học kỹ thuật hoặc ra đi làm rồi đăng ký học tiếp các trường này.

 

Tác giả bài viết: TS. Võ Hoàng Ngọc

 Từ khóa: đại học

Tổng số điểm của bài viết là: 29 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  LIÊN KẾT WEBSITE

 XEM NHIỀU NHẤT

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập6
  • Hôm nay492
  • Tháng hiện tại14,003
  • Tổng lượt truy cập2,517,889
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây