Tiếng Nghệ Cái gầu thì bảo cái đài Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi Chộ tức là thấy em ơi Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em Thích chi thì bảo là sèm Khi ai bảo đọi thì mang bát vào Cá quả lại gọi cá tràu Vo troốc là bảo gội đầu đấy em… Nghe em giọng Bắc êm êm Bà con hàng xóm đến xem chật nhà Khi mô sang nhởi bên choa Bà o đã nhốt con ga trong truồng Em cười bối rối mà thương Thương em một, lại trăm đường thương quê Gió Lào thổi rạc bờ tre Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn Chắt từ đá sỏi đất cằn Nên yêu thương mới sâu đằm đó em. (Tuyển tập thơ Nguyễn Bùi Vợi – NXBVH - 2002) Mở đầu bài thơ là một trật tự khác thường khi tác giả chú thích tiếng phổ thông bằng tiếng Nghệ. Với một loạt cấu trúc: A - “thì bảo”; “tức là”; “gọi là” – B, tác giả đã giới thiệu một loạt từ tiếng Nghệ trong giao tiếp đời thường. Cái gầu thì bảo cái đài… Vo troốc là bảo gội đầu đấy em… Tiếng Nghệ là một ngôn ngữ còn bảo lưu nhiều yếu tố cổ của tiếng Việt. Nhiều âm tiết nghe rất lạ so với từ phổ thông. Mở đầu bải thơ, tác giả đã trang bị một loạt từ mang tính địa phương, với cách phát âm phong phú về vần điệu, chỉ có ở vùng Nghệ Tĩnh. Người đọc chắc phải bật cười vì những tiếng Nghệ lần đầu mới bắt gặp và băn khoăn vì sao tác giả bắt chước theo kiểu “tam tự kinh” của các cụ ngày xưa như vậy. Xin hãy đọc hai câu thơ tiếp theo: Nghe em giọng Bắc êm êm Bà con hàng xóm đến xem chật nhà Hai câu thơ như một nhịp cầu nối liền tiếng Nghệ với con người xứ Nghệ. Lúc này, chúng ta mới vỡ lẽ vì sao tác giả không dịch các từ tiếng Nghệ thành ngôn ngữ phổ thông mà từ tiếng phổ thông lần về với tiếng Nghệ quê mình. Thì ra có một người đang cần biết tiếng Nghệ quê anh. Đó là người vợ tương lai anh đang muốn đưa về “ra mắt” người thân ở quê nhà. Tình huống thật vui nhưng cũng có phần lúng túng vì cô gái là người miền Bắc. Phải trang bị cho “người Tràng An” những từ “đặc sệt” tiếng Nghệ Tĩnh để cô dâu mới không bỡ ngỡ khi giao tiếp với người thân ở quê nhà. Phần đầu bài thơ chủ yếu tác giả trang bị kiến thức về tiếng Nghệ cho vợ. Chuẩn bị chu đáo nhưng vợ anh vẫn gặp tình huống khó xử. Bà con ở quê khi nghe tin có “cô dâu tương lai” từ xa về đã đến để “xem mặt” và thật khó xử cho cô gái khi nghe giọng quê vồn vã, tíu tít: Khi mô sang nhởi bên choa Bà o đã nhốt con ga trong truồng Chỉ hai câu thơ nhưng có sáu âm tiết nghe lạ tai “mô, nhởi, choa, o, ga, truồng”. Tình huống thật khó lường trước “Ta như chim trong tiếng Việt như rừng” (Lưu Quang Vũ). Cô gái ngỡ ngàng trước những từ tiếng Nghệ vừa lạ, vừa quen, ngỡ ngàng trước sự cởi mở, vô tư của “bà con” bên chồng đối với mình. Trong tình huống ấy, cô chỉ biết cười “bối rối” mà thôi. Cái cười thật đôn hậu, dễ thương. Chàng trai thấy thương người yêu vô cùng nhưng từ tình thương ấy lại trỗi dậy một tình thương cao cả hơn: “Thương em một, lại trăm đường thương quê”. Cái hay, cái đẹp của tác phẩm chính là đời thường mà lại nên thơ… Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi quê ở Thanh Chương - Nghệ An còn vợ ông là người Hà Nội. Bài thơ này ông làm tặng vợ yêu của mình. Thông điệp của bài thơ không chỉ là tiếng Nghệ mà còn là con người và tình người xứ Nghệ. Người xứ Nghệ lớn lên trong một vùng thiên nhiên nhiều núi non sông nước, nhiều đá sỏi đất cằn, nhiều nắng gió, nhiều mưa bão. Họ luôn phải gồng mình lên chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Ai đã được chứng kiến những trận gió Lào miền Trung hẳn không bao giờ quên được cái nóng, cái phờ phạc của cỏ cây, cái gian nan vất vả của con người nơi đây. Thiên nhiên ấy đã tạo nên một chất giọng riêng: Gió Lào thổi rạc bờ tre Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn Chắt từ đá sỏi đất cằn Nên yêu thương mới sâu đằm đó em. Tiếng Nghệ có âm sắc điệu nặng trầm, khi nói không rõ thanh điệu, ngữ điệu, tạo cảm giác “trọ trẹ” nhưng ẩn sau vẻ thô mộc, giản dị là sự chắt chiu của một vùng “nhân kiệt địa linh” của bao thế hệ con người tảo tần, chịu thương, chịu khó để tạo nên những tiếng nói đằm sâu tình đời, tình người. Sự “Yêu thương sâu đằm của người Nghệ” được thể hiện qua tình yêu đôi lứa thuỷ chung, yêu những con người thật thà chất phác, yêu thiên nhiên, yêu những truyền thống tốt đẹp của quê hương. Trong bài thơ “Lấy chồng xứ Nghệ”, Nguyễn Bùi Vợi viết: Nói giọng thì nặng như bổ củi Mô, tê, răng, rứa nghe nhức đầu Được cái trời cho tài chịu khó Nhà tranh cơm độn chẳng kêu đâu ! Nhà thơ Trần Lê Văn đã từng viết tặng Nguyễn Bùi Vợi: “Vắt máu tim mình làm mực viết”. Có lẽ “mực từ tim” của Nguyễn Bùi Vợi đã làm nên những vần thơ hay, những nét tính cách riêng của người xứ Nghệ. Người Nghệ dù đi xa vẫn không để phai nhạt những dấu ấn ngôn ngữ quê mình. Đó là mạch nguồn tinh tuý được chắt lọc từ sức sống mãnh liệt, từ tình yêu thuỷ chung son sắt đối với quê hương. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trước Quốc dân Đồng bào, Bác nói: “Tôi nói Đồng bào nghe rõ không !”. Âm sắc tiếng Nghệ hùng hồn, trầm ấm, thiết tha của Người còn vang vọng tới muôn đời sau. Tiếng Nghệ phản ánh bản sắc văn hoá và phẩm chất, cốt cách của con người xứ Nghệ. Người Nghệ luôn tự hào về truyền thống hay chữ, hiếu học của quê mình “Ông đồ xưa xứ Nghệ Càng dạy, chữ càng nhiều”. Tiếng Nghệ đã nuôi dưỡng tâm hồn và góp phần hình thành nên phong cách văn chương của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, thi sĩ Nguyễn Công Trứ, danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh. Và chính nó cũng góp phần hình thành nên các làn điệu dân ca như hò, ví, dặm, hát Phường Vải…bộc lộ tình người nơi đây và làm say đắm bao người. Bài thơ “Tiếng Nghệ” của Nguyễn Bùi Vợi đã đưa tiếng Nghệ hội nhập ngôn ngữ văn hóa dân tộc như một thứ “đặc sản”. Tiếng Nghệ thân thương hoà quyện những tình cảm của người xứ Nghệ sẽ trở thành một thứ của cải vô giá. Giọng người xứ Nghệ với những cung bậc tình cảm nên thơ đã hoà vào tiếng Việt tạo nên vẻ đẹp chung: Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa Óng tre ngà và mềm mại như tơ (Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ) |